Hà Nội: mực nước sông Hồng liên tục dâng cao, Cấm cầu Đuống từ đêm nay

Advertisement

Nước sông Hồng lên nhanh, Hà Nội phát lệnh báo động một tại 10 quận huyện, báo động ba trên sông Nhuệ tại 8 quận huyện; bờ bao ở huyện Sóc Sơn bị vỡ gây ngập 12 ha hoa màu.

– Hà Nội phát lệnh báo động một trên sông Hồng tại 10 quận huyện.
– Phát lệnh báo động ba trên sông Nhuệ tại 8 quận huyện.
– 16 năm qua, lũ Hà Nội mới lên báo động một.
– Trung bình mỗi giờ, mực nước sông Hồng lên thêm 10 cm.
– Lũ sông Hồng có thể ảnh hưởng hàng trăm nghìn dân ở 13 quận huyện.
– Dừng tàu qua cầu Long Biên và cầu sông Đuống.
– Cấm cầu Long Biên, cầu Đuống, hạn chế xe trọng tải lớn qua Chương Dương.
– Cấm xe một số đoạn đường gom đại lộ Thăng Long, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.
– Di dời dân ngoài đê sông Hồng ở quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ.
– Huyện Chương Mỹ kêu gọi người dân hộ đê.
– Các cơ quan, đơn vị thành phố ứng trực mưa lũ 24/24h.
– Vỡ bờ bao Đầm Khoai tại huyện Sóc Sơn.

Cấm cầu Đuống từ 22h

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông báo cấm người đi bộ và phương tiện đi lại trên cầu Đuống, nối quận Long Biên với Gia Lâm, từ 22h. Tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng đi qua cầu này tạm dừng.

Phương tiện có nhu cầu lưu thông qua cầu Đuống đi theo các hướng Hà Huy Tập – Đặng Phúc Thông – tỉnh lộ 179 – cao tốc Hà Nội – Bắc Giang – cầu Phù Đổng – cầu Thanh Trì và ngược lại; hoặc Hà Huy Tập – Đặng Phúc Thông – tỉnh lộ 295 – quốc lộ 18 – Võ Nguyên Giáp – cầu Nhật Tân hoặc cầu Thăng Long và ngược lại.

Ngoài ra, các phương tiện có thể chọn hướng Ngô Gia Tự – quốc lộ 5 – Lý Sơn – cầu Đông Trù – Trường Sa – quốc lộ 3 hoặc Trường Sa – Hoàng Sa để đi cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long và ngược lại, hoặc Ngô Gia Tự – quốc lộ – vành đai 3 – đi cầu Thanh Trì hoặc cao tốc Hà Nội – Bắc Giang.

Tăng tối đa công suất xử lý nước rỉ rác tại Nam Sơn

Ngày 10/9, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông kiểm tra công tác phòng chống ngập lụt khu xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Trước nguy cơ ô nhiễm nước rỉ rác do mưa lớn, ông Đông yêu cầu xử lý nước rác ở mức tối đa công suất theo thiết kế; có phương án che phủ đảm bảo an toàn và môi trường, không để tràn ra ngoài.

 

Đối với các khu vực ngập lụt, tồn rác, Phó chủ tịch thành phố yêu cầu phun thuốc khử khuẩn, che phủ đối với các điểm tập kết rác, tổng vệ sinh khu vực ngay khi nước lũ rút. Đơn vị vận hành các khu xử lý tăng cường nhân lực, vật lực, máy móc vận hành, đảm bảo an ninh, an toàn khu xử lý trong bối cảnh hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa to.

Trung bình mỗi giờ lũ sông Hồng tại Hà Nội lên 10 cm

Theo báo cáo, mực nước sông Hồng chiều nay đã lên 10,5 m, trên báo động một khoảng một mét. Trung bình mỗi giờ, nước lên 10 cm. Quận Bắc Từ Liêm có 4 phường ven đê sông Hồng, trong đó 802 hộ ở ngoài đê. Cụ thể phường Đông Ngạc có 340 hộ, Liên Mạc 147 hộ, Thụy Phương 75 hộ và Thượng Cát 240 hộ. Quận Bắc Từ Liêm cần di dời 567 hộ dân đến nơi an toàn.

Advertisement

Ngoài ra, các phường ven sông Nhuệ, sông Pheo gồm Minh Khai, Phú Diễn, Cổ Nhuế 1, Đức Thắng, Phúc Diễn, Tây Tựu, Cổ Nhuế 2 có 553 hộ ngoài đê. Đây cũng là số hộ dân cần di dời đến nơi an toàn. Hiện quận di dời khoảng 1.120 hộ dân, bảo đảm xong trong hôm nay.

Quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp cùng 7 đơn vị quân đội với khoảng 900 cán bộ, chiến sĩ, 17 ôtô tải, 4 xuồng máy, máy phát điện, phao cứu sinh, nhà bạt ứng trực tại 13 cửa khẩu đê sông Hồng, sẵn sàng xử lý khi có sự cố đê điều. Quận cũng huy động gần 3.000 người là lực lượng tại chỗ ứng trực tại các điếm canh đê và cửa khẩu đê.

Kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại quận Bắc Từ Liêm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị tính toán phương án dự phòng về lực lượng, phương tiện ứng phó với sự cố trong trường hợp mực nước sông Hồng lên báo động ba. Chính quyền quận, huyện phân công nhiệm vụ, bảo đảm hậu cần, huy động phương tiện, vật lực xử lý kịp thời các tình huống.

 

Advertisement