Hàng chục nghìn người chạy lũ trong đêm

Advertisement

Cao Bằng ngập lụt nghiêm trọng

Tại TP Cao Bằng, mưa to khiến nước từ sông Hiến tràn vào đường Phố Cũ, phường Hợp Giang lúc 1h30 ngày 9/9, gây ngập lụt nghiêm trọng. Nhiều hộ gia đình phải sơ tán khẩn cấp. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt hỗ trợ người dân đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Người dân Cao Bằng chạy lũ trong đêm. Ảnh: Ngọc Hân

Người dân Cao Bằng chạy lũ trong đêm. Ảnh: Ngọc Hân

Chị Nông Thiệp, một người dân sống tại đây, cho biết từ tối 8/9, nước đã tràn qua bờ kè, nhanh chóng vào khu dân cư ven sông Hiến, trong đó có Phố Cũ. Khoảng hai tiếng sau, nước đã tràn vào nhà chị ở cách bờ kè khoảng 200 m. Tầng một ngập hết, cả gia đình phải di tản lên tầng hai.

Mặc dù nước đã bắt đầu rút, nhưng tại nhiều khu vực mực nước vẫn cao khoảng 70 cm. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hân, Chủ tịch UBND phường Hợp Giang, cho biết chính quyền đã có cảnh báo trước, song do nước lên quá nhanh nên nhiều hộ dân không kịp trở tay. Hiện tại, hơn 200 hộ dân tại phường bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 50 gia đình bị cô lập. “Chúng tôi đang khẩn trương hỗ trợ các suất ăn trưa cho người dân”, bà nói.

Tính đến 18h ngày 8/9, mưa lớn đã gây ngập lụt, sạt lở đất, sụt lún đất tại các huyện Hà Quảng, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Thạch An, Hòa An, TP Cao Bằng, Hạ Lang. Một người bị thương do tôn cắt vào chân (thường trú tại xã Hưng Thịnh, huyện Bảo Lạc), 53 nhà bị thiệt hại, trong đó 10 nhà bị sạt lở đất, 42 nhà bị tốc mái, một nhà bị đổ tường.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân di chuyển vật nuôi đến nơi an toàn. Ảnh: Ngọc Hân

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân di chuyển vật nuôi đến nơi an toàn. Ảnh: Ngọc Hân

Nước sông Cầu lên cao, Thái Nguyên sơ tán dân trong đêm

Tại Thái Nguyên, mực nước sông Cầu lúc 4h gần 2,8 m – cao hơn báo động ba 91 cm. Trong đêm, tỉnh này đã huy động hàng nghìn người đắp đê ngăn lũ và di dời người dân đến nơi an toàn.

Nước ngập tại chung cư ở Tiến Bộ. Ảnh: Beat Thái Nguyên
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nước ngập tại chung cư ở Tiến Bộ. Ảnh: Beat Thái Nguyên

Riêng tại phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên, đê sông Cầu đã có 5 điểm xung yếu cần phải gia cố. Hàng trăm chiến sĩ quân đội, công an và người dân dùng đất cho vào bao tải để đắp đê. Tuy nhiên mực nước cao, nhiều đoạn đã tràn vào khu dân cư gây ngập úng, điển hình như tại chung cư Tiến Bộ, phường Quang Vinh, nước ngập cao gần tới trần ôtô.Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thái Nguyên cho biết 55 phường, xã ở TP Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên, các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Định Hóa bị ngập. Cơ quan chức năng đã di dời khẩn cấp gần 2.000 hộ dân.

Hai người ở Lạng Sơn tử vong do bão

Nước ngập thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định sáng 9/9. Ảnh: Châu Nông

Nước ngập thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định sáng 9/9. Ảnh: Châu Nông

Tại Lạng Sơn, thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tính đến 7h sáng nay cho thấy bão lũ đã làm hai người chết. Đó là ông Lộc Văn Lập, 49 tuổi, trú ở xã Lâm Sơn, huyện Chi Lăng bị đất sạt lở làm sập nhà; ông Triệu Văn Đạo, 62 tuổi ở Tân Văn, huyện Bình Gia bị đuối nước. 10 người bị thương do cây đổ, sạt lở đất, tấm lợp rơi.

Hơn 1.000 nhà bị ngập lụt, hơn 5.200 cư dân tại các vị trí bị ngập lụt, sạt lở được di dời tới nơi an toàn. Tỉnh đã sơ tán các hộ dọc Quốc lộ 31 Thị trấn nông trường huyện Đình Lập, dọc sông Thương tại thị trấn Đồng Mỏ (Chi Lăng), Thất Khê (Tràng Định), Na Sầm (Văn Lãng).

Người dân tại thị trấn Thất Khê (huyện Tràng Định) cho biết nước dâng cao từ chiều 8/9 và hiện rút chậm do đây là vùng trũng. Nước lụt mấp mé tầng hai của nhà cao hai tầng, một số khu vực ngập tới bụng. Điện bị cắt, điện thoại người dân sắp cạn pin. Cứu hộ làm việc suốt đêm và đã đưa các gia đình đến nơi cao ráo.

Hoàn lưu sau bão kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc bộ khiến mưa lớn còn kéo dài đến khoảng ngày 11/9. Diễn biến mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét sau bão tại các tỉnh vùng núi, trung du Bắc Bộ còn rất phức tạp.

Bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) gây mưa lớn kéo dài cho các tỉnh miền Bắc và Thanh Hoá từ 7/9. Đến chiều qua (8/9), nhiều nơi xuất hiện mưa trên 300mm như Phình Hồ (Yên Bái) 403.4mm, Tô Múa (Sơn La) 373.6mm, Vạn Mai (Hòa Bình) 339mm, Nậm Xây 2 (Lào Cai) 320mm, Xuân Sơn (Phú Thọ) 301mm. Đây là cường độ mưa rất lớn trong thời gian ngắn.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới qua Bắc bộ nên sáng nay đến ngày 11/9, miền Bắc và Thanh Hoá tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to đến rất to. Khu vực mưa nhiều nhất là các tỉnh Tây Bắc bộ như Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai với tổng lượng mưa từ thời gian này từ 130-250mm, có nơi trên 450mm.

Mưa lũ diễn biến phức tạp sau bão số 3- Ảnh 1.

Mưa lũ xuất hiện ở huyện Mộc Châu, Sơn La sau khi bão số 3 quét qua đây

Khu vực trung du miền núi các tỉnh phía Đông Bắc bộ từ nay đến ngày 11/9 cũng có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa có thể từ 100-200mm, có nơi trên 350mm. Khu vực đồng bằng có mưa rải rác, cục bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa thời gian này từ 70-150mm, có nơi trên 250mm.

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, trong hôm nay và ngày mai (10/9), trên các sông của Bắc bộ, Thanh Hóa xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ các sông nhỏ tại miền núi phía Bắc, nhất là Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức báo động (BĐ)2-BĐ3, có sông trên BĐ3; đỉnh lũ trên sông Cầu, sông Thương, sông Bưởi, hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa) tại Lý Nhân lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2. Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội sẽ lên nhanh do thủy điện Hòa Bình và Tuyên Quang mở cửa xả đáy nhưng vẫn ở mức dưới BĐ1.

Advertisement

Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra ngập lụt tại vùng trũng thấp ven sông các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Nguy cơ cao xuất hiện lũ quét , sạt lở đất trên sườn dốc khu vực vùng núi Bắc bộ, Thanh Hóa. Thông tin dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được Tổng cục Khí tượng Thủy văn cung cấp tại địa chỉ http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/ và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.

Mưa bão có thể dồn dập cuối năm

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ nay đến hết năm 2024 còn khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó 3-4 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Trong nửa cuối tháng 9, trên Biển Đông có thể hình thành dải hội tụ nhiệt đới. Trên dải hội tụ nhiệt đới này có thể xuất hiện các nhiễu động mạnh lên thành bão/áp thấp nhiệt đới.

Các chuyên gia cảnh báo khả năng xuất hiện các siêu bão trên Biển Đông ngày càng gia tăng. Từ khi có số liệu quan trắc, Biển Đông ghi nhận 3 cơn bão mạnh lên thành siêu bão tại đây, gồm RAI, SAOLA VÀ YAGI (hầu hết các siêu bão khác ở Biển Đông đi từ khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương vào). Đáng lưu ý, cả 3 cơn bão này xuất hiện trong 4 năm trở lại đây, bão RAI năm 2021, bão SAOLA 2023 và YAGI năm 2024.

Theo tienphong.vn

Advertisement