Theo quy chế của chính Trường Đại học Luật Hà Nội, nghiên cứu sinh vi phạm có thể bị xử lý hình sự.
Ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) không tham gia kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 nhưng vẫn có bằng đại học luật, bằng tiến sĩ gây xôn xao dư luận.
Thời gian qua vụ việc ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) không tham gia kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 nhưng vẫn có bằng tiến sĩ gây xôn xao dư luận.
Đặc biệt, năm 2001, ông Vương Tấn Việt đã tốt nghiệp đại học ngành Tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ, nay là Trường Đại học Hà Nội và tốt nghiệp đại học ngành Luật năm 2019 tại Trường Đại học Luật Hà Nội (văn bằng thứ 2 – vừa học vừa làm). Năm 2021, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp Trường tại Trường Đại học Luật Hà Nội và năm 2022 được cấp bằng Tiến sĩ Luật ngành Luật Hiến pháp – Hành chính của Trường Đại học Luật Hà Nội.
Nhiều ý kiến trong dư luận băn khoăn về việc ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 nhưng được cấp bằng cử nhân và tiến sĩ. Trong trường hợp những người sử dụng bằng cấp 3 giả để làm hồ sơ học đại học hoặc cao hơn thì bằng đại học, bằng tiến sĩ được cấp sau đó có giá trị hay không và cá nhân đó sẽ bị xử lý ra sao?
Theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT ban hành quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, Điều 25 quy định, văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi, hủy bỏ trong các trường hợp: Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi cử, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ; cấp cho người không đủ điều kiện; do người không có thẩm quyền cấp; bị tẩy xóa, sửa chữa; để cho người khác sử dụng; do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ. Khi đó, cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ có trách nhiệm thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ…
Khoản 3, Điều 20, thông tư 08/2021/TT-BGDDT ngày 18.3.2021 của Bộ GDĐT cũng quy định: Người học sử dụng hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học, văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ. Như vậy, trong trường hợp cá nhân dùng bằng cấp 3 nếu được xác định là giả, sẽ bị xử lý bằng cách thu hồi bằng tốt nghiệp đại học và các bằng cấp cao hơn nếu có.
Ngoài ra, theo Nghị định 04/2012/NĐ-CP, tùy theo hành vi cụ thể mà người sử dụng bằng giả có thể bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng về hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ.
Đối chiếu Quyết định 261/QĐ-ĐHLHN của Trường Đại học Luật Hà Nội có quy định xử lý với các nghiên cứu sinh vi phạm. Theo Điều 37 của Quyết định trên, nghiên cứu sinh vi phạm các quy định về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ bị xử lý kỷ luật theo Quy chế học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy hiện hành, bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Đơn vị, cá nhân thuộc Trường vi phạm các quy định về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thì bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Theo quy định Điều 341 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Theo đó, người phạm tội này có thể bị xử phạt đến 7 năm tù tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.
Thông tin về việc đào tạo và cấp bằng cho ông Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt, sinh năm 1959), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, ngay khi dư luận xôn xao về các văn bằng, bằng tốt nghiệp cấp 3 của ông Thích Chân Quang, Bộ GDĐT đã yêu cầu các đơn vị, cơ sở giáo dục liên quan báo cáo. Bộ GDĐT cũng đồng thời rà soát, kiểm tra, xác minh và phối hợp xác minh làm rõ thông tin, minh chứng trên tinh thần và nguyên tắc kỹ lưỡng, cẩn trọng, tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Về nghi vấn ông Thích Chân Quang chưa tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa, Bộ GDĐT bước đầu xác định nghi vấn về giá trị của tấm bằng này là có căn cứ. Tuy nhiên, Bộ GDĐT cho biết, vẫn cần tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng và cơ quan an ninh để điều tra, làm rõ hơn những thông tin quan trọng khác.
https://laodong.vn/ban-doc/vu-ong-vuong-tan-viet-nghien-cuu-sinh-dai-hoc-luat-vi-pham-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-1381377.ldo